Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm tới thông tin từ năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng phương pháp mới, sử dụng bài thi tổ hợp. Điểm mới này đã gây lo lắng, băn khoăn cho các bậc phụ huynh đang có con học lớp 8 năm học 2017 - 2018.
Trước sự quan tâm của dư luận, Ban lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019-2020.
Dùng bài thi tổ hợp để tránh học tủ, học lệch
Tại hội nghị, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, những năm qua, phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005–2006, đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo đó, những hạn chế thấy rõ nhất là học sinh học lệch các môn, chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán, các môn còn lại học sinh chưa tập trung học, chưa đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS.
Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời báo chí về tuyển sinh đầu cấp.
Ngoài ra, theo phương thức cũ, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên, việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các nhà trường cũng khác nhau.
Thông tin thêm về phương thức tuyển sinh mới, ông Phạm Quốc Toản - Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp nhằm mục đích tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới. Bài thi tổ hợp với mục tiêu dần tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới "theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên".
Bên cạnh đó, bài thi tổ hợp chắc chắn sẽ có môn Ngoại ngữ, điều này nhằm nâng cao năng lực Ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở trường phổ thông. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, 3 môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, khi đưa ra phương án này, chắc chắn Sở sẽ có lộ trình chi tiết thực hiện ra sao và công bố đề thi minh họa lúc nào. Theo đó, dự kiến khoảng tháng 9 hàng năm, bắt đầu vào năm học mới, Sở sẽ công bố đề thi minh họa.
Học sinh không cần áp lực chuyện học thêm
Từ 2 môn thi tăng lên thành 6 môn thi trong 3 bài thi khiến nhiều người không khỏi lo ngại rằng có thể dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan, quá tải cho học sinh.
Ông Lê Ngọc Quang cho biết bài thi tổ hợp có thể riêng lẻ từng môn hoặc cũng sẽ có những phần là tích hợp liên môn, chứ không đơn giản là sự cộng ghép cơ học. Ông Quang cũng khẳng định rằng, toàn bộ nội dung kiến thức đề thi sẽ nằm trong chương trình GSK. Do đó, phụ huynh và học sinh không cần áp lực về chuyện học thêm.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh và phụ huynh không cần lo lắng chuyện học thêm.
“Học sinh và phụ huynh nghe đến bài thi tổ hợp có cảm giác đề nhiều môn thi thì học sẽ nhiều. Sở cam kết đề thi sẽ đánh giá học sinh một cách toàn diện, đề thi sẽ được ra một cách cơ bản nhất. Học sinh và phụ huynh không nên có suy nghĩ sẽ phải học thêm tất cả các môn, bởi cần nhận thức rằng liệu biết sẽ thi môn nào mà học thêm. Cùng đó, để chống việc có thể bùng phát việc dạy thêm - học thêm, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng nên ma trận đề thi với hệ thống câu hỏi lớn”, ông Quang thông tin.
Được biết, trước khi đưa ra phương án này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trưng cầu ý kiến của cha mẹ học sinh và nhận được gần 700 ý kiến từ nhiều năm qua. Đồng thời, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng dựa trên ý kiến đề xuất của hầu hết các Hiệu trưởng trường THPT, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, Hiệu trưởng trường THCS trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019 - 2020 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Theo dự kiến phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh sẽ phải làm 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán và Ngữ văn, 1 bài thi tổ hợp (gồm 4 môn). Các bài thi Toán, Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, còn bài thi tổ hợp sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Sẽ có hai tổ hợp: Tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm. |
Ngân Linh (t/h)
Nguồn bài viết : TK giải đặc biệt